Kết luận Hội nghị sơ kết thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông - Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày 11/6 tại Long An, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần xây dựng quy tắc phối hợp với UBND các tỉnh trong việc giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp sau khi được giao chỉ tiêu mua tạm trữ, cần khẩn trương tập trung nguồn lực để tổ chức, triển khai mua lúa, gạo tạm trữ đạt chỉ tiêu số lượng trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng kiến nghị, các cơ quan Trung ương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến chương trình thu mua lúa tạm trữ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), triển khai Quyết định số 373a/QĐ-TTg ngày 15/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh khu vực phân giao cho 130 thương nhân tổ chức thu mua tạm trữ. Từ ngày 15/3 đến ngày 30/4/2014, các thương nhân, đã mua tạm trữ 995.494 tấn quy gạo, đạt 99,55%. Trong đợt tạm trữ này, 16 ngân hàng thương mại thực hiện cho vay mua lúa, gạo với doanh số hơn 8.256 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Riêng Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam cho Tổng công ty Lương thực miền Bắc vay với lãi suất 6,5%/năm.
Nhìn chung, chủ trương mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ đã được các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá cao, không chỉ góp phần tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân, mà còn đảm bảo cho người trồng lúa có thu nhập ổn định. Quyết định mua lúa tạm trữ đã được công bố kịp thời, đúng lúc, góp phần kìm chế tình trạng sụt giảm giá lúa trên thị trường trong bối cảnh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đặc biệt khó khăn về đầu ra. Trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa, gạo bình quân trên thị trường tăng 100 đến 200 đồng/kg; đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%, qua đó, giữ mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá, phá giá của thương nhân nước ngoài cũng như của thương nhân trong nước đối với nông dân.
Bên cạnh những mặt đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên và một số đại biểu khác cũng nêu lên một số hạn chế. Đó là chỉ tiêu tạm trữ quá ít so với lượng hàng hóa của tỉnh nên hầu hết người dân chưa bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu lúa hàng hóa giữa doanh nghiệp và nông dân còn nhiều vấn đề phức tạp nên hiệu quả của chương trình chưa thật sự rõ nét. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cũng cho rằng, nông dân chưa hưởng lợi ích thiết thực từ chương trình thu mua tạm trữ. Cụ thể, nếu lấy giá lúa cao nhất trong thời điểm triển khai thu mua tạm trữ bình quân 5.350 đồng/kg, so với giá thành bình quân 3.900 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 37%. Trên lý thuyết, nông dân có lãi hơn mức quy định của Chính phủ tối thiểu 30%, nhưng đây là vụ sản xuất chính trong năm với mức lãi này không đảm bảo để tái sản xuất cho những vụ sau. Mặt khác, đây là mức cao nhất trong đợt triển khai thu mua tạm trữ nên cũng không có nhiều nông dân được hưởng từ mức lãi này, đa số nông dân đã bán lúa lúc thu hoạch rộ trước đó với giá thấp hơn…/.
TTXVN
http://xttm.mard.gov.vn/ |