Theo quy trình này, một phải là phải dùng giống lúa xác nhận, còn sáu giảm gồm: giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón và giảm phát thải khí nhà kính. Dự án do Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) hỗ trợ và Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL cùng hai hợp tác xã (HTX) tổ chức thực hiện. Giảm đầu vào
Ai mua không khí?
Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 3 tại Tokyo (Nhật) xác định cơ chế “mua bán không khí”. Theo đó, các quốc gia và cơ sở công nghiệp có lượng khí thải CO2 vượt mức quy định phải có nghĩa vụ mua “tín chỉ carbon” ở những nơi tiết kiệm được. Ở VN, sản xuất với yêu cầu giảm khí nhà kính đã được thực hiện bởi một số dự án thủy điện, rác thải, nước thải. Từ cuối năm 2013, Quỹ đối tác carbon (CPF) của Ngân hàng Thế giới cùng với Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha cam kết sẽ mua 3 triệu “tín chỉ carbon” của chương trình phát triển thủy điện nhỏ thuộc REDP của VN. Một “tín chỉ” tương đương 1 tấn CO2. Song cho đến nay, việc bán “tín chỉ” trong sản xuất lúa vẫn còn là vấn đề mới. Trong khi đây là hoạt động chủ yếu của nông dân VN trước yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế.
|
Những ngày cuối tháng 6-2014 là thời điểm người dân tại HTX Kênh 7B (xã Đông Thạnh A, huyện Tân Hiệp) và HTX Thới Thượng (huyện Phú Tân) hối hả thu hoạch vụ lúa hè thu. Đây là vụ mùa thứ năm mà người dân tham gia dự án. Ông Võ Minh Chiếu (chủ nhiệm HTX Kênh 7B) chỉ cánh đồng hơn 10ha sắp thu hoạch cho biết qua năm vụ canh tác với sự trợ giúp, tập huấn kỹ thuật của cán bộ EDF và Đại học Cần Thơ, giá thành sản xuất cho mỗi công ruộng (1.000m²) ông tính toán được chỉ còn 1,2 triệu đồng, trong khi trước đây luôn ở mức 1,6-1,8 triệu đồng. Ông Chiếu nhớ lại vụ đầu tiên thực hiện theo mô hình này HTX của ông chỉ có khoảng 100 hộ tham gia, nhưng hiện nay có khoảng 220 hộ vì họ thấy được lợi ích của mô hình. “Trước đây tôi là một nông dân giỏi, nhưng là giỏi... xịt thuốc trừ sâu, còn bây giờ đã khác rồi. Đặc biệt với sự hướng dẫn của nhà khoa học, khi nào cần thiết thì đưa nước vào, khi không cần thiết thì rút nước ra (kỹ thuật ngập khô xen kẽ) chứ không để nước ngập ruộng quanh năm như trước đây nên thân lúa rất chắc, không ngã đổ đã làm giảm thất thoát trong thu hoạch” - ông Chiếu cho hay.
Còn bà Nguyễn Thị Nương, một thành viên HTX này, cũng chia sẻ trước đây làm ruộng cứ phun thuốc rất nhiều lần (8-10 lần/vụ) để phòng bệnh, nhưng hiện nay chỉ khi nào lúa bệnh nặng dữ lắm mới phun (phun tối đa 2-3 lần/vụ). Ngoài ra, theo tính toán của bà Nương, với kỹ thuật sạ lúa 12 kg/công trong khi trước đây phải sạ 40 kg/công, bón phân 50 kg/công nay còn 30 kg/công... mà năng suất không đổi thì nông dân đã thành công bởi giảm được giá thành. Tương tự, ông Lê Văn Tài - chủ nhiệm HTX Thới Thượng - chia sẻ vì lợi ích của kỹ thuật “một phải sáu giảm” mà lúc đầu chỉ vài chục hộ tham gia, nay HTX của ông đã có vài trăm hộ. Tuy nhiên, những người dân trên hiện chỉ còn lo lắng khâu đầu ra được các doanh nghiệp tiêu thụ cả ba vụ trong năm bởi hiện chỉ mua 1-2 vụ.
Sẽ bán khí thải
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL - cho biết nhận thấy khí thải canh tác lúa nước phân bố cao trong khu vực nông nghiệp và các yếu tố gây ra khí thải như bón phân, sạ giống dày, quản lý nước không hợp lý mà nếu giảm được sẽ có nghĩa tăng thu nhập cho nông dân (vì giảm được giá thành sản xuất). Nhận thấy kỹ thuật “một phải, sáu giảm” là công cụ quan trọng để thực hiện nên từ năm 2010, Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL kết hợp với EDF phát triển trồng lúa giảm khí thải nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân tại hai địa phương trên. Kết quả cho thấy so với mô hình trồng lúa truyền thống thì trồng lúa “một phải, sáu giảm” giảm được 4-5 tấn khí thải/ha/vụ, năng suất tăng 5% và giá thành sản xuất giảm 15-20%/ha/vụ.
Ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết sở đã làm việc với một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo để có thể mua ba vụ và kêu gọi một doanh nghiệp khác mua lúa của nông dân trồng lúa “một phải, sáu giảm”. Theo ông Củi, hiện doanh nghiệp và nông dân chỉ mới dừng lại ở chỗ thống nhất giá là ký hợp đồng mua chứ doanh nghiệp chưa bao tiêu sản phẩm. Ông Củi nói với những lợi ích thực tế, khi dự án của EDF không còn nữa thì người dân địa phương vẫn tiếp tục làm với kỹ thuật đã được tập huấn. Bà Trần Thu Hà - giám đốc Dự án VLCRP thuộc EDF - đề nghị sau này khi dự án rút đi thì người dân cần tiếp tục duy trì cách trồng theo mô hình “một phải, sáu giảm” để đảm bảo tính bền vững của dự án. Theo bà Hà, khí thải nhà kính giảm từ dự án này hoàn toàn có cơ hội bán ra ở các thị trường tự nguyện.
C.QUỐC - TRẦN HỮU HIỆP
http://tuoitre.vn/ |